UBND HUYỆN KIM THÀNH
TRƯỜNG TIỂU HỌC KIM ĐÍNH
Số: 08/KH-THKĐ
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Kim Đính, ngày 03 tháng 02 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
Phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra
- Căn cứ Công văn số 43/PGDĐT-NGLL của Phòng Giáo dục và Đào tạo ngày 30/01/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra;
- Căn cứ Công văn số 51/PGDĐT-NGLL của Phòng Giáo dục và Đào tạo ngày 01/02/2020 về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra;
- Thực hiện Công văn số 101/UBND-GD ngày 03/02/2020 về việc cho phép học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra;
- Thực hiện Công văn số 54/PGDĐT-NGLL ngày 03/02/2020 về việc cho phép học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra;
Trường TH Kim Đính xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona như sau:
I. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu chung
- Không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn nhà trường, nếu xảy ra có khả năng dập tắt nhanh chóng.
- Triển khai các biện pháp phòng, chống nhằm chủ động phát hiện sớm trường hợp nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra nhằm không để xảy ra tử vong gây ra.
2. Mục tiêu cụ thể
- Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh trong nhà trường.
Triển khai kết hợp cùng phụ huynh học sinh, giáo viên trong nhà trường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên hoặc những ca có dấu hiệu bất thường để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng (Đặc biệt chú ý yếu tố dịch tễ của những người từ vùng dịch chuyển về). Trước 15 giờ chiều hàng ngày cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường báo cáo về Ban giám hiệu tình hình sức khỏe học sinh của lớp chủ nhiệm và bản thân cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Nhà trường thực hiện công tác báo cáo với cấp trên tình hình nhà trường hàng ngày.
- Tình huống 2: Xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào nhà trường.
Khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.
- Tình huống 3: Dịch lây lan trong cộng đồng
Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời nhằm giảm thiểu tối đa các trường hợp mắc, biến chứng và tử vong.
II. CÁC NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP
1. Công tác tổ chức, chỉ đạo
- Ban giám hiệu chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người trong nhà trường, xây dựng cơ chế hoạt động, điều hành của Ban chỉ đạo theo từng tình huống phân công cụ thể cho từng thành viên.
- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành của xã, huyện, Phòng Giáo dục để nắm bắt thông tin, học tập kinh nghiệm và tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực từ tỉnh Hải Dương và huyện Kim Thành, Phòng Giáo dục cho nhà trường.
- Huy động sự tham gia của tất cả phụ huynh học sinh, học sinh và toàn thể CB - GV - NV thực hiện theo kế hoạch phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona của xã, huyện, tỉnh và phòng GD&ĐT đề ra.
- Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phòng chống dịch của chính quyền các cấp. Trong kế hoạch phải đặt ra những tình huống cụ thể để có biện pháp xử lý phù hợp nhằm chủ động ứng phó hiệu quả ngay từ khi dịch có nguy cơ xâm nhập vào nhà trường.
- Tổ chức kiểm tra đôn đốc, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện của các lớp, cá nhân cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.
2. Công tác tuyên truyền giáo dục
- Viết tin, bài và cung cấp tài liệu tuyên truyền về những biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virut Corona cho phụ huynh các lớp, học sinh các lớp và toàn thể CB - GV - NV trong nhà trường.
- Phối hợp chặt chẽ giữa hội cha mẹ học sinh và nhà trường, các thành viên trong trường thống nhất triển khai chiến dịch tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona trên các phương tiện truyền thông của địa phương và thông qua hoạt động trao đổi tin nhắn điện thoại tới phụ huynh, học sinh và CB - GV - NV trong trường.
3. Nâng cao năng lực, kiến thức phòng và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona cho hệ thống y tế từ xã xuống thôn xóm.
Tập huấn, phổ biến bổ sung những kiến thức mới về công tác phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sin trong trường.
4. Giải pháp kinh phí, hậu cần
- Huy động trang thiết bị, thuốc, vật tư hiện có của các cơ sở y tế trong xã
- Tham mưu cho UBND xã cấp kinh phí cho các hoạt động tổ chức triển khai, tập huấn chuyên môn, mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc chuyên dụng đáp ứng theo các tình huống dịch.
5. Các hoạt động đáp ứng theo từng tình huống
5.1. Tình huống 1 (chưa ghi nhận ca bệnh tại trường TH Kim Đính)
a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra
- Tăng cường hoạt động chỉ đạo chăm sóc sức khỏe, thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh.
- Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Công tác giám sát, dự phòng
- Tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh có yếu tố dịch tễ liên quan thông qua giám sát thường xuyên tại các cơ sở khám chữa bệnh, tại cộng đồng (Trong đó phải lưu ý các trường hợp từ vùng dịch trở về).
- Rà soát, cập nhật các hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, dự phòng xử lý ổ dịch theo tình hình dịch.
- Tổ chức tập huấn cập nhật về các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong giám sát, phòng chống dịch.
c) Công tác truyền thông
- Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế. Cung cấp tài liệu tuyên truyền về những biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona
- Truyền tải các thông điệp vận động người thân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm, khuyến cáo học sinh và cán bộ, giáo viên , nhân viên trong nhà trường không đi/đến từ vùng dịch bệnh cúm gia cầm chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời hạn chế các biến chứng, tử vong.
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin để CB-GV-NV và học sinh không hoang mang, lo lắng.
5.2. Tình huống 2: Xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào địa bàn xã
a) Công tác chỉ đạo, điều hành
- Báo cáo Ủy ban nhân dân xã, huyện, Phòng GD&ĐT về tình hình diễn biến của dịch thường xuyên để kịp thời nhận được các chỉ đạo về phòng chống dịch.
- GVCN các lớp và CB-GV-NV trong trường duy trì chế độ hoạt động hằng ngày và báo cáo về Ban giám hiệu nhà trường trước 15h hàng ngày. Nhà trường thực hiện chế độ báo cáo đúng theo quy định với cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo.
b) Công tác giám sát, dự phòng
- Tăng cường giám sát các trường hợp từ vùng dịch nghi mắc bệnh có yếu tố dịch tễ liên quan; giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 24 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Áp dụng việc báo cáo hàng ngày và chia sẻ thông tin kịp thời giữa các tuyến điều trị.
- Đẩy mạnh giám sát dựa vào sự kiện các kênh báo chí, các nguồn thông tin chính thức và không chính thức để kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý triệt để không để bùng phát dịch trong cộng đồng.
c) Công tác truyền thông
- Hàng ngày cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh về BGH, Phòng GD và ĐT.
- Thường xuyên cập nhật các thông tin, bổ sung nội dung các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch phù hợp với các đối tượng nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch và các biện pháp phòng chống.
5.3. Tình huống 3: Dịch lây lan trong cộng đồng
a) Công tác chỉ đạo kiểm tra
- Báo cáo Ủy ban nhân dân xã, huyện, Phòng GD&ĐT hàng ngày tình hình học sinh, CB-GV-NV trong nhà trường.
b) Công tác giám sát, dự phòng
- Áp dụng việc báo cáo hàng ngày và chia sẻ thông tin kịp thời.
- Thường xuyên cập nhật các tài liệu chuyên môn trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.
c) Công tác truyền thông
- Hàng ngày cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống trên các phương tiện thông tin
- Thường xuyên cập nhật các thông tin, bổ sung thông điệp, khuyến cáo phòng chống dịch phù hợp với các đối tượng nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Để hoạt động phòng chống dịch bệnh do viêm đường hô hấp cấp do virus Corona có hiệu quả, Nhà trường yêu cầu các ban ngành đoàn thể, các lớp, CB-GV-NV trong nhà trường triển khai các hoạt động trọng tâm sau:
1. Thành lập tiểu ban phòng chống dịch bệnh Corana gồm Hiệu trưởng làm trường tiểu ban, các phó Hiệu trưởng và nhân viên y tế làm phó trưởng tiểu ban, các thành viên là CBGVNV nhà trường.
( Có quyết định kèm theo)
2. Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch
- Cho CBGVNV học tập các văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch trong cuộc họp Hội đồng ngày 3/2/2020.
- Nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường và cha mẹ học sinh về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi - rút Corona gây ra thông qua nhiều hình thức: tuyên truyền măng non, qua các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp,…
- Hướng dẫn học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường ăn chín, uống sôi, giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi, cách đeo khẩu trang. Hạn chế đến các khu chợ bán đồ tươi sống, những nơi tụ tập đông người hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Khi đi học, ở những nơi đông người hoặc cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh cần phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh tại nhà trường, thường xuyên làm vệ sinh môi trường. Đặc biệt đối với bếp ăn đảm bảo vệ sinh an toàn trong chế biến thực phẩm và tổ chức bữa ăn cho học sinh như: vệ sinh chăn, chiếu và phòng ngủ; tăng cường nhắc nhở học sinh rửa tay đúng quy trình trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Các lớp bán trú hướng dẫn học sinh vệ sinh ăn uống, không cho học sinh sử dụng chung bát, thìa, cốc chén; hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, trước khi về nhà; hàng ngày sau bữa ăn các đồ dùng của học sinh cần được vệ sinh sạch sẽ và khử trùng bằng luộc sôi sau đó đưa vào bảo quản để bữa sau dùng,… cung cấp đủ nước uống, nước sạch cho học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên tại trường.
- Hàng ngày, theo dõi sĩ số và diễn biến tình hình sức khỏe học sinh, giáo viên, cán bộ. nhân viên tại trường cho cơ quan y tế.
- Phối hợp với trạm tham gia tẩy trùng môi trường bằng dung dịch tẩy khuẩn
- Thực hiện chế độ rửa tay bằng xà phòng tại nhà trường.
- Khi có hướng dẫn cho học sinh nghỉ học, thông báo qua hệ thống Zalo về tới gia đình học sinh, phối hợp với gia đình quản lí học sinh trong thời gian nghỉ học, giáo viên chủ nhiệm theo dõi tình hình học sinh báo về Y tế nhà trường vào trước 13h00 hàng ngày. Nhà trường báo cáo với Ban chỉ đạo xã vào 13h00, báo cáo phòng GD và cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
Trong thời gian học sinh nghỉ học, Lãnh đạo nhà trường và nhân viên y tế trực hành chính. Chủ động bố trí dạy bù chương trình khi học sinh đi học trở lại.
- Tổng vệ sinh trường lớp, phun thuốc sát trùng các lớp học, phòng làm việc, phòng chức năng, khu bán trú và toàn bộ khuôn viên trường.
- Thực hiện các nhiệm vụ do Ban chỉ đạo phòng chống dịch thị trấn phân công khi dịch bệnh xảy ra đồng thời triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của ngành Giáo dục về công tác phòng chống dịch.
3. Phân công nhiệm vụ.
- Hiệu trưởng: Thành viên BCĐ phòng chống dịch xã Kim Đính, trưởng tiểu ban chỉ đạo và thực hiện điều hành các hoạt động phòng chống dịch trong nhà trường và thực hiện báo cáo định kì, đột xuất với cơ quan chức năng về tình hình nhà trường trong thời gian phòng chống dịch. Trực lãnh đạo khi học sinh nghỉ học.
- Phó Hiệu trưởng: Chỉ đạo dọn vệ sinh trường lớp, đôn đốc việc thực hiện chương trình và nền nếp dạy học trong thời gian diễn ra phòng chống dịch, xếp thời khóa biểu khi học sinh nghỉ học quay lại trường ( nếu có); Trực lãnh đạo khi học sinh nghỉ học và thực hiện các nhiệm vụ khác mà HT phân công.
- Nhân viên y tế: Phó trưởng tiểu ban, trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong giáo viên và học sinh nhà trường; liên hệ thường xuyên với trạm y tế thị trấn và cơ quan chuyên môn trong thời gian phòng chống dịch, triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại nhà trường.
- Giáo viên chủ nhiệm: Tuyên truyền, hướng dẫn học sinh phòng chống dịch; giữ mối liên hệ thường xuyên với gia đình để nắm bắt tình hình học sinh trong thời gian phòng chống dịch kể cả thời gian học sinh nghỉ học ở nhà, báo cáo tình hình học sinh hàng ngày với Hiệu trưởng trước 13h hàng ngày. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng; thực hiện các nhiệm vụ khác mà Hiệu trưởng phân công.
- GVNV khác: Tuyên truyền, hướng dẫn học sinh phòng chống dịch; Chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng; thực hiện các nhiệm vụ khác mà Hiệu trưởng phân công. Nhân viên thư viện phối hợp với y tế trong việc cung cấp tài liệu tuyên truyền.
- Kế toán xây dựng, dự trù kinh phí để phòng chống dịch.
IV. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO
Thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực dịch và báo cáo dịch theo Công văn số 54/PGDĐT-NGLL của Phòng Giáo dục và Đào tạo. Các lớp thực hiện báo cáo dịch hằng ngày theo quy định ( Số ĐT: 0915168102)
Trên đây là kế hoạch phòng, chống viêm đường hô hấp cấp do virus Corona năm 2020 của Trường TH Kim Đính, yêu cầu các ban ngành đoàn thể, các lớp trong trường có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- UBND Xã
- Phòng GD&ĐT;
- Lưu VP.
|
HIỆU TRƯỞNG
(đã ký)
Nguyễn Thị Nga
|
|