UBND HUYỆN KIM THÀNH
TRƯỜNG TIỂU HỌC TAM KỲ
GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 2
Cuốn sách: “VUI HỌC VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM
CHO HỌC SINH TIỂU HỌC”
Kính thưa các thầy, cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
Tôi xin giới thiệu đến các thầy, cô giáo và các bạn học sinh cuốn sách: “Vui học văn học dân gian Việt Nam cho học sinh tiểu học”. Cuốn sách do nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội xuất bản năm 2016, khổ sách 16x24cm.
Như các bạn đã biết, văn học dân gian Việt Nam là kho tàng trí tuệ tuyệt vời của nhân dân ta. Những câu tục ngữ ngắn gọn, súc tích đã chứa đựng biết bao kinh nghiệm quý báu của cha ông về lao động sản xuất, về đời sống hàng ngày, về thiên nhiên… Những câu ca dao, dân ca ngọt ngào, đằm thắm chính là tiếng lòng tha thiết của tình yêu quê hương đất nước, tình kàng nghĩa xóm, tình thầy trò, tình cảm gia đình, tình bạn bè… Những câu đố thể hiện sự thông minh, hóm hỉnh, dí dỏm và óc quan sát nhanh, nhạy của nhân dân ta qua bao đời. Những bài đồng dao tạo lên sự vui tươi, đoàn kết của tuổi thơ… Truyện thần thoại thể hiện trí tưởng tượng phong phú của cha ông ta trong việc giải thích các hiện tượng tự nhiên… Truyền thuyết kể về sự kiện và nhân vật lịch sử (Hoặc có liên quan đến lịch sử), qua đó thể hiện sự ngưỡng mộ và tôn vinh của nhân dân ta đối với những người có công với đất nước, với cộng đồng. Truyện cổ tích thường kể về số phận của những con người bình thường trong xã hội. Nó vừa là vũ khí đấu tranh giai cấp vừa thể hiện ước mơ của nhân dân ta về một xã hội công bằng.
Văn học dân gian Việt Nam cũng như văn học dân gian của nhiều của nhiều dân tộc khác trên thế giới có những thể loại chung và riêng, hợp thành một hệ thống. Mỗi thể loại phản ánh cuộc sống theo những nội dung và cách thức riêng. Hệ thống thể loại của văn học dân gian Việt Nam phong phú và đa dạng: thần thoại, sử thi, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, vè, truyện thơ, chèo…
Để giúp các em vừa vui học vừa thêm yêu quý kho tàng văn học dân gian tuyệt vời của nước nhà, và biết thêm những truyện dân gian của nước ngoài theo từng chủ điểm, tác giả tuyển chọn và biên tập cuốn sách Vui học văn học dân gian cho học sinh tiểu học.
Cuốn sách gồm hai phần:
- Phần I có hai nội dung chính:
+ A. Những truyện dân gian trong sách Tiếng Việt
+ B. Những truyện dân gian tuyển chọn thêm
Trong sách Tiếng Việt, nhiều truyện dân gian chỉ có tranh mà không có phần văn bản truyện. Các bậc phụ huynh sẽ gặp khó khăn khi hướng dẫn cho con em học tập, các em học sinh gặp nhiều khó khăn khi kể chuyện. Vì vậy, khi giới thiệu mỗi truyện, tác giả trình bày bố cục như sau:
1. Truyện kể (phần văn bản)
2. Nhân vật chính trong câu chuyện
3. Nội dung ý nghĩa của câu chuyện
Số lượng tác phẩm văn học dân gian ở dạng văn vần có trong chương trình tiểu học không nhiều và thường rất ngắn. Hơn nữa, những bài đồng dao, ca dao, … cũng gần gũi với các em nhờ lời ru của bà, của mẹ, từ khi các em còn nằm trong nôi. Chính vì vậy, khi biên soạn phần hai, tác giả chọn số lượng tác phẩm ngoài chương trình nhiều hơn so với phần một.
Phần hai có hai nội dung chính:
A. Những câu, bài văn vần dân gian trong sách Tiếng Việt
B. Những câu, bài văn vần dân gian tuyển chọn thêm
Các em còn nhỏ tuổi nên tác giả chỉ chọn một số câu tục ngữ nói về kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt của cha ông. Tác giả chọn nhiều câu tục ngữ về giáo dục đạo đức để giúp các em học được những bài học bổ ích. Những bài học đó giúp các em phát triển tót về các nhân cách khi trưởng thành. Còn về ca dao, tác giả chỉ chọn những bài tiêu biểu nói về quê hương đất nước, về giáo dục đạo đức để các em học được lối sống đẹp mà cha ông ta đã đúc kết kinh nghiệm qua bao đời. Về câu đố, ngoài những câu đố trong sách tiếng việt ở bậc tiểu học, dân gian còn có một số câu đố hiện đại. Tác giả đã lựa chọn bổ sung thêm để nội dung phần câu đố phong phú hơn. Dưới mỗi câu đố đều có lời giải, nhưng khi đọc xong câu đố, các em nhớ chưa vội xem lời giải. Chịu khó quan sát và suy nghĩ, chắc chắn các em sẽ giải đố một cách dễ dàng. Nếu đã suy nghĩ kĩ mà vẫn không đoán được là gì, lúc đó các em hãy xem lời giải.
Trong các tác phẩm văn học dân gian có nhiều từ ngữ (theo tác giả) còn khó hiểu với lứa tuổi của các em. Vì vậy, bên dưới mỗi tác phẩm, tác giả đều có chú thích những từ ngữ đó. Khi đọc xong tác phẩm, các em nhớ đọc luôn phần chú thích. Như vậy các em sẽ hiểu nội dung của câu chuyện dễ dàng hơn.
Xin mời các bạn đọc đến thư viện nhà trường tìm đọc cuốn sách trên nhé!
Xin trân trọng cảm ơn!
STKC/01630-01632
NGƯỜI BIÊN SOẠN
(CBTV-TB)
Nguyễn Thị Kim Nhung
|
HIỆU TRƯỞNG
(KÝ DUYỆT)
Phạm Thanh Mừng
|
|